Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

ÔN TOÁN ĐIỂN HÌNH - HKII

ÔN TOÁN ĐIỂN HÌNH LỚP 4 - HKII

 

1. Lớp 4B có 49 học sinh, số học sinh giỏi bằng 2/5 số học sinh còn lại. Hỏi :

a) Lớp 4 B có bao nhiêu học sinh giỏi?

b) Lớp 4 B có bao nhiêu là học sinh chưa phải là học sinh giỏi ?

 

 

2. Xe thứ nhất chở 62 bao gạo, xe thứ hai chở 65 bao gạo. Xe thứ nhất chở ít hơn xe thứ hai 120 kg gạo. Hỏi mỗi xe chở bao nhiêu kg gạo ?

 

 

3. Một hình chữ nhật có nửa chu vi là 320 m. Chiều rộng kém chiều dài 3 lần. Cứ 100 m² thì thu hoạch được 4 kg thóc. Hỏi thửa ruộng đó thu hoạch được bao kg thóc ?

 

 

4. Một tấm bìa hình thoi có tổng độ dài hai đường chéo là 80 cm. Biết tỉ số  của hai đường chéo là 3/7. Tính diện tích tấm bìa ?

 

 

5. Một cửa hàng có số vải trắng bằng 4/7 số vải hoa. Tính số vải của mỗi loại? Biết tổng số vải cả hai loại là 198 m.

 

 

6. Một khu vườn hình chữ nhật có chiều dài 220 m, chiều rộng bằng 3/5 chiều dài. Người ta trồng tiêu ở đó, tính ra cứ 6m² thu hoạch 30 kg tiêu. Hỏi người ta thu hoạch cả thửa ruộng đó bao nhiêu tạ tiêu ?

 

 

7. Một thửa ruộng có chu vi 348 m, chiều dài hơn chiều rộng 20 m. Tính diện tích thửa ruộng đó?

 

 

8. Một mảnh vườn hình chữ nhật có  chu vi là 128m, chiều rộng bằng 3/5 chiều dài. Tính diện tích?

 

 

9. Tổng hai số chẵn liên tiếp nhau là 74. Tìm hai số đó?

 

 

10. Chị Mai đem trứng ra chợ bán. Buổi sáng chị bán được 3/8 số trứng. Buổi chiều chị bán được 1/4 số trứng. Hỏi :

a) Tính phần số trứng còn lại sau khi bán cả hai buổi?

b) Nếu chị Mai đem ra chợ 272 quả trứng thì số trứng còn lại là bao nhiêu quả?

 

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

ÔN TẬP KHOA HỌC HKII

ÔN TẬP KHOA HỌC LỚP 4

1) Tại sao có gió? Gió là sự chuyển động của không khí từ nơi lạnh đến nơi nóng.

2) Người ta chia sức gió thành 13 cấp.

- Cấp 0 = trời lặng gió

- Cấp 2 = gió nhẹ

- Cấp 5 = gió khá mạnh

- Cấp 7 = gió to

- Cấp 9 = gió dữ

- Cấp 12 = bão tố mạnh nhất

3) Tác hại của bão gây ra : ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của con người như: hư hại nhà cửa, thiệt hại mùa màng; ảnh hưởng đến việc chăn nuôi; sản xuất, giao thông, ô nhiễm môi trường, gây dịch bệnh, cuộc sống sinh hoạt của con người bị ảnh hưởng….

4) Một số cách phòng chống bão :

- Theo dõi bản tin dự báo thời tiết để biết trước có sự chuẩn bị phòng chống kịp thời.

- Sửa chữa nhà cửa, nơi ở…

- Dự trữ thức ăn, nước uống.

- Không đi ra đường khi có bão.

- Chú ý tắt điện, đề phòng cháy cháy nổ…

- Không nên cho tàu bè ra khơi khi trời có bão.

5) Tại sao ta phải bảo vệ bầu không khí trong sạch ?

- Bầu không khí trong sạch giúp con người, vật nuôi được khỏe mạnh, ít mắc bệnh về đường hô hấp…

6) Bảo vệ bầu không khí trong sạch bằng cách nào?

- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường lớp sạch sẽ.

- Không xả rác, tiêu tiểu bừa bãi.

- Giảm lượng khói, khí độc thải ra từ xe có động cơ, từ nhà máy sản xuất, từ khói bếp đun…

- Trồng cây xanh, bảo vệ rừng…

7) Nhiệt có ảnh hưởng như thế nào đối với con người, động thực vật?

- Nhiệt có ảnh hưởng đến sự lớn lên, sinh sản và phân bố của động vật, thực vật

- Nếu phải sống trong điều kiện nhiệt độ không thích hợp mà cơ thể không tự điều chỉnh được hoặc không có biện pháp nhân tạo để khắc phục, mọi sinh vật sẽ chết kể cả con người. Nhiệt độ cơ thể của người bình thường là 37°C .

8) Nếu Trái Đất không được Mặt Trời sưởi ấm thì:

- Gió sẽ ngừng thổi, Trái Đất trở nên lạnh giá – nước đóng băng – không có mưa – Trái Đất không có sự sống và trở thành 1 hành tinh chết.

9) Thực vật cần gì để sống?

Thực vật cần đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng thì mới sống và phát triển bình thường

10) Thực vật cần không khí để HÔ HẤP và QUANG HỢP :

- Quá trình hô hấp: thực vật hấp thu khí oxy và thải ra khí các-bô-níc. Thiếu oxy thực vật sẽ ngừng hô hấp và chết.

- Quá trình quang hợp: nhờ ánh sáng mặt trời, thực vật có sự trao đổi khí trong quang hợp: Thực vật hấp thu khí các-bô-níc và thải ra khí ôxy. (ngược lại quá trình hô hấp)

Nhờ quang hợp, thực vật tổng hợp các chất hữu cơ (đường, bột) từ các chất vô cơ (nước, chất khoáng, khí các-bô-níc) để phát triển lớn lên…

11) Sự trao đổi chất ở thực vật : Có hai quá trình trao đổi chất ở thực vật. Đó là :

a) Trao đổi chất khí trong hô hấp : Thực vật hấp thu khí oxy và thải ra khí các-bô-níc

b) Trao đổi thức ăn ở thực vật : Nhờ ánh sáng mặt trời, thực vật hấp thụ khí các-bô-níc, nước, chất khoáng và thải ra khí ôxy, hơi nước, các chất khoáng khác.

12) Động vật cần gì để sống?

Động vật muốn tồn tại và phát triển bình thường thì cần đủ : không khí, nước uống, thức ăn và ánh sáng.

13) Động vật ăn gì để sống? Tùy theo các loài động vật, chúng ăn các loại thức ăn khác nhau như :

a. Loài ăn thực vật (cỏ, lá cây, rơm rạ…) : như trâu, bò, hươu, nai, dê, ngựa…

b. Loài ăn thịt : cọp, sư tử, beo, cá mập, rắn, …

c. Loài ăn sâu bọ : chim, ếch nhái…

d. Loài ăn tạp ( vừa ăn thực vật, vừa ăn động vật ) : lợn, gà, vịt, chó, mèo…

14) Phần lớn thời gian sống của động vật dành cho việc kiếm ăn.

15) Sự trao đổi chất ở động vật : Động vật hấp thu khí ôxy, nước uống, các chất hữu cơ và thải ra khí các-bô-níc, mồ hôi, nước tiểu và các chất thải khác như phân...


Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

ÔN TẬP LỊCH SỬ HKII

ÔN THI LỊCH SỬ 4


Bài 1: Nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long ( năm 1786 )


1./ Mùa xuân năm1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ,Nguyễn Huệ dựng cờ khởi nghĩa chống chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.
- Sau khi đã lật đổ chính quyền họ Nguyễn, quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long để tiêu diệt chính quyền họTrịnh và thống nhất giang sơn vào năm 1786.

2./ Kể lại chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt chính quyền họ Trịnh:
- Quân của Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long theo hai hướng: đường bộ và đường thủy như vũ bão.
- Quân họ Trịnh ỷ lại, chủ quan không đề phòng, dẫn đến bị quân Tây Sơn đánh tan xác. Trịnh Khải bị bắt.

3) Kết quả việc nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long:
-Tiêu diệt được chính quyền họTrịnh, thống nhất giang sơn sau 200 năm bị chia cắt.
-Nguyễn Huệ giao quyền cai quản cho vua Lê cai trị ở Đàng Ngoài (1.786)




Bài 2: Quang Trung đại phá quân Thanh: (năm 1789)


1) Cuối năm 1788, mượn cớ giúp nhà Lê, quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, chủ tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị.
Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ấy hiệu là Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh.

2) Diễn biến trận đánh :
-Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân(1789), Quang Trung kéo quân ra Tam Điệp, cho quân sĩ ăn Tết sớm, rồi chia thành năm đạo quân tiến ra Thăng Long.

+Mồng 3 Tết Kỉ Dậu (1789) quân ta chiếm được đồn Hà Hồi.
+Mông 5 Tết, quân ta đánh chiếm cả hai đồn Ngọc Hồi và Đống Đa. Tại đồn Đống Đa,tướng giặc là Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Kết quả: Tôn Sĩ Nghị dẫn đám tàn quân về nước. Quân ta toàn thắng. (xem thêm sách giáo khoa )

3) Hằng năm vào mồng 5 Tết, nhân dân ta tổ chức lễ giỗ trận để tưởng nhớ ngày Quang Trung đại thắng quân Thanh.


Bài3: Những chính sách về kinh tế và văn hóa của vua Quang Trung.

1./ Những chính sách của vua Quang Trung :
a)Về kinh tế:
- Ban’’Chiếu khuyến nông’’: lệnh cho dân trở về làng quê cày cấy khai phá ruộng hoang. Giúp cuộc sống người dân ấm no, thu hoạch nhiều lúa gạo…
-Quang Trung cho đúc đồng tiền mới, mở cửa biển để thuyền buôn nước ngoài vào buôn bán; yêu cầu nhà Thanh mở cửa biên giới cho nhân dân hai nước qua lại tự do trao đổi hàng hóa.

b)Về văn hóa, giáo dục:
- Coi trọng chữ viết của dân tộc: Đó là chữ Nôm và xem chữ Nôm là chữ chính thức của quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển chữ viết dân tộc.

2) Ý nghĩa về những chính sách của vua Quang Trung đưa ra là muốn phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước; muốn đất nước vững mạnh, âm no…



Bài 4: Nhà Nguyễn thành lập:

1) Nhà Nguyễn ra đời trong hoàn cảnh nào?
- Sau khi vua Quang Trung mất, triều đại Tây Sơn suy yếu. Nguyễn Ánh huy động lực lượng tấn công Tây Sơn.
- Đến năm 1802 Tây Sơn tan rã, Nguyễn Ánh lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long .
- Từ1802 đến 1858, nhà Nguyễn đã trải qua các đời vua như :Gia Long;Minh Mạng;Thiệu Trị;Tự Đức.

2) Các vua quan nhà Nguyễn không muốn chia sẻ quyền hành cho bất cứ ai:
- Không lập ngôi hòang hậu, bỏ chức tể tướng, tự mình điều hành mọi việc.
- Đặt ra luật pháp: Bộ luật Gia Long…nhằm bảo vệ quyền hành tuyệt đối của nhà vua, đế cao địa vị của quan lại, trừng trị tàn bạo kẻ chống đối.
- Xây dựng quân đội…, xây dựng thành trì vững chắc, xây dựng các trạm ngựa, chuyển tin tức…


Bài 5:Kinh thành Huế.

Vài nét về kinh thành Huế: (xem thêm sách giáo khoa )

- Các vua quan nhà Nguyễn cho xây dựng nên kinh thành Huế.Đây là tòa thành đồ sộ và đẹp nhất nước ta.
- Xây dựng nhiều lăng tẩm với các công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt đẹp.
- Ngày 11/12/1993,quần thể cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.




ÔN TẬP ĐỊA LÍ

ÔN TẬP ĐỊA LÍ 4

Bài 1 : Đồng bằng Nam Bộ

1./ Nêu đặc điểm sơ lược về đồng bằng Nam Bộ
- Đồng bằng Nam Bộ lớn nhất nước ta và lớn gấp ba lần đồng bằng Bắc Bộ, được bồi đắp phù sa bởi sông Mê Công và sông Đồng Nai.
- Phần Tây Nam Bộ còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vùng trũng dễ bị ngập nước như : Đồng Tháp Mười, Kiên Giang, Cà Mau.
- Thành phần đất gồm có đất phù sa, đất mặn, đất phèn.

2./ Đặc điểm sông ngòi kênh rạch ở đồng bằng Nam Bộ:
- Sông Mê Công bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua một số nước, khi chảy qua nước ta khu vực đồng bằng Nam Bộ được chia ra thành hai nhánh : sông Tiền và sông Hậu và đổ ra biển qua chín cửa nên có tên gọi là sông Cửu Long.
- Phần Tây Nam Bộ : người dân không đắp đê, thường có lũ lụt, mỗi năm được bồi đắp thêm phù sa. Mùa khô thường thiếu nước ngọt. Người dân đào nhiều kênh rạch chằn chịt để tưới tiêu, sinh hoạt….thuận lợi giao thông đường thủy.
- Phần Đông Nam Bộ : có nhiều hồ chứa nước ngọt để sinh hoạt sản xuất như hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An..

3./ Cuộc sống của người dân ở đồng bằng Nam Bộ
- Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Kinh, Chăm, Hoa và Khơ-me.
- Tây Nam Bộ : nhà cửa được xây dựng đơn sơ dọc theo các sông, ngòi, kênh, rạch. Phương tiện đi lại thường là xuồng ghe…
- Hiện nay cuộc sống người dân đã được nâng cao, nhà cửa xây dựng kiên cố hơn.
- Trang phục truyền thống giản dị : quần đen, áo bà ba, khăn rằn...
- Người dân thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như : Lễ hội Bà Chúa Sứ , Hội Núi Bà…cầu nguyện điều may mắn trong mùa màng, cuộc sống…



Bài 2: Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Nam Bộ


1./ Nêu những thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ
- Nhờ có thiên nhiên ưu đải, nguồn nước dồi dào, ngươì dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên nông nghiệp phát triển mạnh. Đồng bằng Nam Bộ được ví là vựa lúa lớn nhất của cả nước.
- Nhờ có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằn chịt, dày đặc và vùng biển nước ta có nhiều cá tôm... nên rất thuận lợi cho việc đánh bát thủy hải sản.

2./ Ngành công nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ phát triển nhất nước ta là nhờ :
- Có nguồn nguyên liệu, có sức lao động dồi dào và nguồn công nhân có tay nghề cao nên nền công nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ phát triển mạnh. ( như công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp điện, phân bón … )

3./ Nét văn hóa độc đáo ở đồng bằng Sông Cửu Long là chợ nổi trên sông, tập trung buôn bán trên sông bằng ghe, xuồng...thật nhộn nhịp. ( như : chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền ở Cần Thơ ; chợ nổi Phụng Hiệp ở Hậu Giang…)


Bài 3 : Thành phố Huế

- Vị trí : Thành phố Huế nằm ở đồng bằng Bình –Trị - Thiên . Phía tây giáp với dãy Trường Sơn , phía đông giáp với Biển Đông
- Dãy núi Bạch Mã lấn ra biển chắn ngang Huế & Đà Nẵng
- Thành phố Huế có nhiều cảnh đẹp như : sông Hương chảy qua thành phố Huế, Cầu Trường Tiền , chợ Đông Ba , núi Ngự Bình…
- Thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ, độc đáo như : đền đài, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm…Cố Đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
- Nền văn hóa đặc sắc ở Huế là : Dân ca Huế , Nhã nhạc ,múa hát cung đình…
- Ẩm thực : các món ăn Huế rất ngon và nổi tiếng như cơm hến, bún bò huế, các loại bánh, nem...
- Ở Huế có nhiều làng nghề truyền thống như : đúc đồng, dệt may…
- Có nhiều nhà hàng, khách sạn, khu tham quan, giải trí ... phục vụ khách du lịch.



Bài 4: Thành phố Hồ Chí Minh

1./ Vị trí :
- TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước.
- Nằm bên sông Sài Gòn còn có lịch sử hơn 300 năm
- Trước kia có tên gọi là Sài Gòn, năm 1976 mang tên TP. Hồ Chí Minh.

2./ TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế văn hóa , khoa học lớn :
- TP.HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, như ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến thực phẩm …
- Hoạt động thương mại phát triển mạnh. Chợ, siêu thị, metro hoạt động mua bán phát triển...
- TP.HCM có sân bay Tân Sơn Nhất lớn bật nhất cả nước. Có cảng Sài Gòn là cảng lớn nhất nhì nước ta...thuận lợi vận chuyển hành khách, hàng hóa đi khắp cả nước, cũng như thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài…
- TP.HCM có nhiều viện nghiên cứu khoa học (viện Pasteur), có nhiều trường đại học, có nhiều khu vui chơi giải trí như là : Đầm Sen , Suối Tiên , Thảo Cầm Viên , Củ Chi.



Bài 5 : Dải đồng bằng duyên hải miền Trung

1./ Đặc điểm của dải đồng bằng duyên hải miền Trung :

- Nhỏ hẹp vì núi lan ra sát biển.
- Ven biển có những cồn cát, người dân trồng phi lao để ngăn gió di chuyển các cồn cát vào sâu trong đất liền.
- Có nhiều đầm phá (đầm Cầu Hai, phá Tam giang)
- Ngoài đường bộ đi trên đèo Hải Vân hiểm trở, nay có thêm đường hầm Hải Vân thuận lợi cho việc đi lại...
- Dân cư : Chủ yếu là dân tộc Kinh, Chăm, sống khá đông.
2./ Đặc điểm khí hậu ở dãy đồng bằng duyên hải miền Trung :
- Do dãy Bạch Mã kéo dài ra đến biển nằm giữa Huế và Đà Nẵng tạo thành bức tường chắn gió. Phía Bắc dãy Bạch Mã có mùa đông lạnh. Phía Nam dãy Bạch Mã không có mùa đông lạnh.
- Mùa hạ miền Trung ít mưa, khí hậu nóng nực hạn hán. - Cuối năm có mưa to, thường gây bão, lũ lụt.
3./ Các hoạt động sản xuất :
- Đất phù sa tương đối được màu mỡ : trồng lúa nên phát triển nông nghiệp…
- Có đất pha cát : trồng mía, đậu phọng…
- Nước biển mặn, nắng nhiều : thuận lợi cho việc làm muối.
- Nhiều đầm, phá : đánh bắt thủy hải sản
- Nhiều đồng cỏ : phát triển chăn nuôi gia súc..

4./ Phát triển du lịch :
- Có nhiều bãi biển đẹp như bãi biển Sầm Sơn ( Thanh Hóa ) , Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Nha Trang ( Khánh Hòa ), Mũi Né ( Bình Thuận )…
- Nhiều di sản văn hóa như : Cố Đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mĩ Sơn…

5./ Phát triển công nghiệp :
- Nhà máy khu công nghiệp được xây dựng nhiều tạo cho người dân có việc làm như: nhà máy sản xuất đường, muối , xăng dầu ( nhà máy Dung Quất), nhà máy đóng tàu, chế biến thủy hải sản...

6./ Lễ Hội :
- Có nhiều lễ hội thường tổ chức như : Lễ rước cá Ông ; Lễ hội Tháp Bà ; lễ mừng năm mới… cầu mong cuộc sống ấm no hạnh phúc.
- Các hoạt động văn nghệ, thể thao, ẩm thực được tổ chức vui vẻ… thu hút khách tham quan, du lịch...


Bài 6 : Biển đảo và quần đảo

1./ Nêu đặc điểm ở vùng biển VIỆT NAM :

- Vùng biển nước ta có diện tích rộng và là một phận của biển Đông : phía bắc có vịnh Bắc Bộ, phía nam có vịnh Thái Lan.
- Biển là kho muối vô tận, có nhiều thủy hải sản, nhiều khoáng sản .
- Biển còn làm điều hòa khí hậu, ven biển có nhiều bãi biển đẹp... thuận lợi phát triển ngành du lịch.

2./ Đảo và quần đảo : Vùng biển nước ta có nhiều đảo và quần đảo
- Vịnh Bắc Bộ là nơi có nhiều đảo nhất nhất nước ta như : đảo Cát Bà, đảo Cái Bầu... có dân cư đông đúc nhất .
- Vịnh Hạ Long là cảnh đẹp nổi tiếng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
- Ngoài khơi miền Trung có 2 quần đảo lớn là Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.
- Ỡ Quảng Ngãi có đảo Lí Sơn, ở Bình Thuận có đảo Phú Quý, ở phía Nam và Tây Nam có đảo Phú Quốc & và Côn Đảo… đây là những đảo lớn có dân cư sinh sống đông đúc…

3./ Người dân trên đảo sống bằng nhiều nghề như :
- Đánh bắt và chế biến thủy hải sản như : làm nước mắm ( Phú Quốc ) , làm cá, tôm khô , cá hộp…
- Trồng trọt ( trồng hồ tiêu ở Phú Quốc , trồng tỏi ở Lí Sơn…. )
- Làm muối
- Đóng và sửa chữa tàu bè.
- Khai thác khoáng sản. Khai thác tổ yến
- Dịch vụ du Lịch...